[UEH x World Bank] Tọa đàm “Đánh giá về thực trạng Đói nghèo và Bình đẳng tại Việt Nam năm 2022"

29 tháng 08 năm 2022

Ngày 29/8/2022, tại hội trường B1-204, Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) phối hợp với World Bank (WB) tổ chức buổi tọa đàm “Đánh giá về thực trạng Đói nghèo và Bình đẳng tại Việt Nam năm 2022". Buổi tọa đàm nhằm công bố báo cáo mới nhất của WB và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về chủ đề chống đói nghèo, những cơ hội, thách thức, cũng như thảo luận các chính sách giảm Đói nghèo và Bất bình đẳng của Việt Nam trong tương lai.

Sự kiện vinh dự được đón tiếp: GS.TS. Sử Đình Thành, Hiệu trưởng UEH; Đại diện Phòng Quản lý Khoa học - Hợp tác Quốc tế (RMIC) UEH; Khoa Kinh tế, trường CELG-UEH, cũng như các diễn giả từ tổ chức World Bank, bao gồm: TS. Matthew Wai-Poi, Chuyên gia Kinh tế trưởng về Thực hành toàn cầu đói nghèo và bình đẳng và TS. Judy Yang, Chuyên gia Kinh tế về Thực hành toàn cầu đói nghèo và bình đẳng; cùng gần 40 giảng viên, sinh viên đến từ UEH và các đơn vị khác.

Thông qua việc phân tích, đánh giá các số liệu thống kê tại Việt Nam từ năm 2010-2020, báo cáo “Đánh giá về thực trạng Đói nghèo và Bình đẳng tại Việt Nam năm 2022" - Vietnam Poverty and Equity Assessment - From the Last Mile to the Next Mile đã cho thấy thực trạng các nỗ lực giảm nghèo tại Việt Nam trong thời gian vừa qua, cung cấp một cái nhìn toàn diện hơn, cũng như đề xuất các nghị trình nhằm giúp Việt Nam cải thiện tình hình hiện tại. Theo đó, giải quyết tình trạng nghèo và bất bình đẳng đến nay không chỉ nhằm nâng cao mức sống tối thiểu và xử lý vấn đề nghèo kinh niên; mà còn phải tạo ra những hướng phát triển kinh tế mới và bền vững cho người dân có khát vọng cao hơn. Đây cũng là mục tiêu mà chặng đường kế tiếp chúng ta cần thực hiện, đó là giúp những người đã thoát nghèo được đảm bảo an ninh kinh tế và đạt mức sống có chất lượng cao hơn.

Theo đánh giá của nhóm chuyên gia, mặc dù đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác giảm nghèo với tỷ lệ các hộ nghèo giảm liên tục từ năm 2010 đến 2020, tuy nhiên mật độ phân bố chưa đồng đều, ở các địa bàn vùng sâu vùng xa, ở các nhóm cư dân dễ bị tổn thương như đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người cao tuổi. Báo cáo kết luận bằng các khuyến nghị chính sách theo khuôn khổ phân tích từ Chặng đường cuối đến Chặng đường Kế tiếp. Theo đó, đối với Chặng đường cuối, Tình trạng nghèo tập trung ở các vùng miền và địa bàn có hoàn cảnh khó khăn đòi hỏi phải tăng cường can thiệp xóa nghèo dựa vào địa bàn, hiện đại hóa ngành nông nghiệp, và cải thiện giáo dục cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Để đạt được những khát vọng của Chặng đường kế tiếp, một số các giải pháp được đề xuất, bao gồm đảm bảo chất lượng giáo dục công bằng, tiếp tục cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng giáo dục bậc cao, xử lý bất cập về phạm vi bao phủ của hệ thống an sinh xã hội và đầu tư cho nhu cầu hiện đại hóa năng lực quản lý thuế và an sinh xã hội.

Báo cáo của tổ chức World Bank đã nhận được sự quan tâm và tham gia thảo luận sôi nổi của các giảng viên, sinh viên UEH. Sau sự kiện, các chuyên gia tổ chức World Bank đã có buổi trao đổi, làm việc với các giảng viên Khoa Kinh tế UEH nhằm thảo luận về các nội dung hợp tác tiếp theo và mong muốn mối quan hệ hai bên sẽ được gắn kết tốt đẹp trong tương lai.

Một số hình ảnh khác của buổi tọa đàm:

Nguồn tin, ảnh: Phòng Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế; Phòng Marketing - Truyền thông

Chia sẻ